Nguồn cung nhà ở tại TPHCM từ cuối năm 2018 đến nay đã bị sụt giảm đáng kể trong khi nhu cầu của người có nhu cầu ở thực lại rất lớn.
- Do vậy, giá nhà tại TP cũng đã bị đẩy lên cao, vượt khả năng tài chính của người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp. Đặc biệt, đối với những bạn trẻ hay những cặp vợ chồng trẻ thì mong ước có được một nơi để an cư lạc nghiệp lại càng khó khăn hơn.
Theo ông Phạm Lâm, TGĐ Công ty DKRA Việt Nam nhận định, nếu so sánh giữa thu nhập của đại bộ phận người trẻ Việt Nam trong vòng 5 năm qua với mức độ gia tăng giá nhà, việc sở hữu BĐS ngày càng khó. Cụ thể, tính từ năm 2015 đến nay, giá nhà đã tăng 50-60%, nhiều khu vực nóng giá còn tăng 60-100%. Trong khi nguồn cung nhà giá rẻ (giá dưới 25 triệu/m2) sụt giảm nghiêm trọng. Cá biệt trong quý 2 và quý 3/2019, thị trường không có căn hộ giá rẻ nào được mở bán.
Không chỉ nguồn cung hạn chế, mặt bằng giá nhà cũng điều chỉnh tăng mạnh. Căn hộ trung bình từ 21 triệu/m2 nay tăng lên 36 triệu/m2, căn hộ bình dân năm 2015 khoảng 16 triệu/m2 nay đã lên 25 triệu/m2. Mức tăng giá của đất nền còn “khủng” hơn khi trong 5 năm qua tăng hơn 100% đến 200%, cá biệt nhiều nơi tăng gấp 3-4 lần. Giá nhà đất tăng phi mã trong khi thu nhập, lương của người lao động chỉ tăng 5-10%, gần như không theo kịp tốc độ tăng giá đất.
“Làm bài toán nhỏ về chi tiêu, với 15 triệu đồng/tháng, người trẻ phải chi 9 triệu làm sinh hoạt phí, tích lũy 6 triệu/tháng thì 1 năm còn dư được 72 triệu đồng. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỷ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay) thì người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà đã không còn đứng yên ở mức 1,5 tỉ đồng/căn mà có lẽ đã tăng gấp mấy trăm phần trăm”, ông Lâm phân tích.
Nếu tính theo hướng vay tiền mua nhà, thu nhập 15 triệu/tháng, nếu mỗi tháng trừ hết chi phí trả gốc và lãi cho ngân hàng, người mua chỉ còn được khoảng 3,8-4 triệu đồng. Với số tiền này họ sẽ không sống được ở TP.HCM, mà phải có thu nhập ít nhất khoảng 20 triệu/tháng mới có thể mua được căn nhà 1 tỷ đồng. Tuy nhiên dòng sản phẩm căn hộ 1 tỷ đồng hiện đã không còn xuất hiện tại TP.HCM.
Đề xuất chính sách cho người trẻ mua nhà, ông Phạm Lâm cho rằng Chính phủ phải có chương trình nhà ở cho người lần đầu tiên sở hữu nhà mang tính lâu dài hoặc kết hợp thành một chương trình nhà ở quốc gia chỉ dành cho những người mua nhà ở lần đầu. Vấn đề nhà ở xã hội hiện tại cần có những cải tiến về quy trình thủ tục giấy tờ, đồng thời có những cơ chế chính sách phù hợp khuyến khích CĐT tham gia nhiều hơn vào phân khúc này. Thành phố cần xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải có khu dành cho loại hình nhà ở vừa túi tiền hoặc chương trình mua nhà ở lần đầu, có cơ chế chính sách trong quản lý hệ thống thông tin về nhà đất minh bạch hơn.
#canhochonguoitre
#tphcm